XtGem Forum catalog
CHATTHUGIAN.MOBIE.IN
kính chào qúy khách

TRANG CHỦ
Truyện Teen   Ngôn Tình   Đam Mỹ   Bách Hợp   Tử Vi   Truyện Tranh  
Facebook  Xổ Số  Dịch  Tải Game  Báo  Tiền Ảo Bitcoin 

  Những đứa con của nửa đêm


Phan_20

Trong căn phòng tắm ốp gạch men trắng bên cạnh cái tủ giặt, mẹ bôi Mercurochrome cho tôi; gạc phủ lên vết thương của tôi, trong khi từ ngoài cửa giọng cha tôi ra lệnh, “Bà nó, hôm nay cấm không ai được cho nó ăn. Bà nghe chưa? Cho nó ôm bụng đói mà tận hưởng trò đùa của mình!”

Đêm đó, Amina Sinai sẽ mơ thấy Ramram Seth lơ lửng cách mặt đất mười lăm xăng ti mét, mắt trợn trừng trắng dã, ngâm nga: “Đồ giặt che lấp nó, giọng nói dẫn dắt nó!”… nhưng khi, sau vài ngày bị giấc mơ ấy đè nặng trên vai trên từng bước đi, bà thu hết can đảm hỏi đứa con ô nhục về tuyên bố táo tợn của nó, thằng bé trả lời với cái giọng cũng kìm nén như những giọt nước mắt không rơi suốt thời thơ ấu: “Con đùa ấy mà, Amma. Một trò đùa ngu dại, như mẹ nói ấy.”

Bà mất, chín năm sau, mà không hề phát hiện ra sự thật.

Chương 12: Đài phát thanh Toàn Ấn Độ

Hiện thực là vấn đề điểm nhìn; càng ngược về quá khứ, mọi thứ càng có vẻ rõ ràng và hợp lý hơn – nhưng ta càng tiếp cận hiện tại, tất cả lại không tránh khỏi tỏ ra càng lúc càng kì lạ. Quý vị thử hình dung mình trong một rạp phim lớn, đầu tiên ngồi ở phía sau, rồi từ từ dịch lên, từng hàng một, đến khi gần như gí mũi vào sát màn hình. Những khuôn mặt diễn viên từ từ nhòa đi thành những hạt sạn nhảy múa; những chi tiết bé tí trở nên to lớn một cách quái dị; ảo ảnh nhòa đi – hay đúng hơn, ta nhận ra ảo ảnh ấy chính là hiện thực... ta đã đi từ 1915 đến 1956, vậy là ta đã lại gần màn ảnh hơn đáng kể... vậy thì, từ bỏ hình ảnh ẩn dụ này, tôi nhắc lại, hoàn toàn không cảm thấy hổ thẹn, lời khẳng định khó tin của mình: sau vụ tai nạn kỳ dị trong tủ giặt, tôi trở thành một thứ đài phát thanh.

... Nhưng hôm nay tôi thấy hoang mang, Padma chưa trở lại – tôi có nên báo cảnh sát không? Có phải cô đã thành Người Mất Tích? – và khi vắng mặt cô, những điều tôi chắc chắn đều đang tan rã. Ngay cả cái mũi cũng giở trò với tôi – ban ngày, khi đi giữa những vại rau quả dầm được đội quân chị em khỏe mạnh, tay lông lá, cực kỳ thạo việc coi sóc, tôi bỗng không phân biệt được giữa mùi chanh vàng với chanh xanh. Đội ngũ nhân công bưng miệng cười khúc khích: sahib tội nghiệp đã vướng phải – cái gì? – hẳn không phải là lưới tình chứ?... Padma, và những vết nứt đang lan khắp người tôi, tỏa ra như mạng nhện từ mũi tôi; và cái nóng... trong những hoàn cảnh như thế này hẳn người ta cũng được phép nhầm lẫn chút đỉnh. Đọc lại những gì đã viết, tôi phát hiện ra một lỗi về trình tự thời gian. Vụ ám sát Mahatma Gandhi xảy ra, trong bản thảo này, nhầm ngày. Nhưng tôi không thể tiết lộ, vào lúc này, thứ tự thực tế của các sự kiện; ở Ấn Độ của tôi, Gandhi sẽ tiếp tục chết nhầm thời điểm.

Liệu một lỗi lầm có khiến toàn bộ công trình trở nên vô giá trị? Có phải tôi đã đi quá xa, với nhu cầu tuyệt vọng về lẽ sống, đến nỗi sẵn sàng bóp méo tất cả - viết lại trọn vẹn lịch sử thời đại mình chỉ cốt để đặt bản thân vào vị trí trung tâm? Hôm nay, trong cơn bối rối, tôi không phán xét được. Tôi sẽ phải nhường việc này lại cho người khác. Giờ đây, tôi đã hết đường lùi; tôi phải kết thúc những gì tôi đã mở đầu, kể cả khi, vô phương tránh né, cái tôi kết thúc hóa ra không phải là cái tôi đã mở đầu.

Ye Akashvani hai. Đây là Đài phát thanh Toàn Ấn Độ.

Vừa ra ngoài đường nóng như sôi để ăn cho xong bữa ở một quán cà phê Iran gần nhà, tôi đã trở lại ngồi dưới quầng sáng về đêm của ánh đèn Anglepoise, chỉ có chiếc đài bán dẫn rẻ tiền làm bầu bạn. Một đêm nóng; trong không khí sục sôi ngập mùi hương dai dẳng từ những vại rau quả dầm câm lặng; những giọng nói trong đêm tối. Hơi rau quả dầm, nồng nặc nhức mũi trong cái nóng, kích thích thứ nước quả tiết ra từ ký ức, nhấn mạnh những tương đồng và khác biệt giữa hồi ấy và bây giờ... hồi ấy trời nóng; bây giờ trời cũng nóng (trái mùa). Hồi ấy cũng như bây giờ, có người thao thức trong bóng tối, nghe thấy những giọng nói vô hình. Hồi ấy cũng như bây giờ, một bên tai bị điếc. Và nỗi sợ hãi, nảy nở trong cái nóng... điều đáng sợ (hồi ấy hay bây giờ) không phải là những giọng nói. Cậu bé, nhóc-Saleem-hồi-ấy, sợ một ý nghĩ – cái ý nghĩ rằng cơn thịnh nộ của cha mẹ cậu có thể dẫn tới việc họ rút lại tình yêu; rằng dẫu có bắt đầu tin cậu đi nữa, họ cũng sẽ xem thiên tư của cậu như một thứ dị tật ô nhục... trong khi tôi, bây giờ, vắng Padma, gửi những lời này vào bóng tối và sợ rằng sẽ chẳng ai tin. Cậu ấy và tôi, tôi và cậu... tôi không còn năng lực của cậu; cậu chưa từng có năng lực của tôi. Có những lúc cậu như người lạ, gần như... ở cậu không có vết nứt nào. Không có mạng nhện nào tỏa khắp người cậu trong cái nóng.

Padma sẽ tin tôi; nhưng còn đâu nữa Padma. Hồi ấy cũng như bây giờ, có một cơn đói. Nhưng ở một dạng khác: bây giờ không phải cơn đói-hồi ấy vì bị cắt bữa tối, mà cơn đói vì bị mất đi người đầu bếp.

Và một sự khác biệt khác, hiển nhiên hơn: hồi ấy, những giọng nói không đến qua những lá van dao động của chiếc đài bán dẫn (vốn sẽ không bao giờ, ở xứ chúng tôi, thôi tượng trưng cho sự bất lực – từ khi có vụ hối lộ triệt sản lấy đài đầy tai tiếng, cái máy kêu oe óe ấy đã đại diên cho điều đàn ông có thể làm trước khi lưỡi kéo xoẹt qua và nút buộc thít lại)... hồi ấy, cậubésắplênchín trên giường lúc nửa đêm chẳng cần đến máy móc.

Khác biệt mà tương đồng, chúng tôi gắn kết với nhau nhờ cơn nóng. Một màn sương-nhiệt bập bùng, hồi ấy và bây giờ làm thời kỳ-hồi ấy của nhòa vào của tôi... nỗi hoang mang của tôi, đi qua làn sóng-nhiệt, cũng là của cậu.

Thứ gì mọc khỏe nhất trong cái nóng: mía; dừa; các loại kê như bajra, ragi và jowar; hạt lanh, và (nếu có nước) chè và lúa. Xứ nóng quê ta cũng là nơi sản xuất bông lớn thứ hai thế giới – ít nhất, đấy là vào thời tôi học môn địa lý dưới ánh mắt dữ tợn của ông Emil Zagallo, và cái nhìn sắt lạnh hơn của một hiệp sĩ chinh phạt người Tây Ban Nha trong khung tranh. Nhưng mùa hè nhiệt đới cũng sản sinh ra nhiều kỳ hoa dị thảo: những bông hoa lạ lẫm của sự nở bừng tưởng tượng, để lấp đầy những đêm bức đổ mồ hôi bằng thứ mùi nồng như nùi xạ, mang đến cho người ta những giấc mơ tăm tối của sự bất mãn... hồi ấy cũng như bây giờ, trong không khí sặc mùi bất ổn. Đám diễu hành ngôn ngữ đòi chia cắt bang Bombay theo biên giới của ngôn ngữ - đầu đoàn người này là giấc mơ về Maharashtra, dẫn dắt đoàn người kia là ảo vọng về Gujarat[1]. Cái nóng ăn mòn ranh giới giữa ảo tưởng và hiện thực trong tâm trí con người, khiến tất cả trở thành như có thể; sự hỗn loạn nửa tình nửa mê của giấc ngủ trưa khiến đầu óc con người mụ mị, và không khí tràn ngập cái dính ráp của niềm ham muốn bị kích thích.

[1] Năm 1956, sau khi mở rộng, bang Bombay bao gồm hai khu vực chính là vùng nói tiếng Gujarat ở phía Bắc và vùng nói tiếng Maharashtra (Marathi) ở phía Nam. Xung đột giữa hai cộng đồng này dẫn tới việc năm 1960 Bombay bị tách ra, trên cơ sở ngôn ngữ, thành hai bang Maharashtra và Gujarat như ngày nay.

Thứ gì mọc khỏe nhất trong cái nóng: ảo tưởng ; sự điên rồ; dục vọng.

Năm 1956, hồi ấy, ngôn ngữ hành quân trên đường phố lúc ban ngày; về đêm, chúng nổi loạn trong đầu tôi. “Chúng ta sẽ dõi theo cuộc đời của cháu với sự quan tâm sát sao nhất; nó sẽ là, theo một nghĩa nào đó, tấm gương của bản thân chúng ta.”

Đã đến lúc nói về những giọng nói.

Nhưng giá mà Padma của chúng ta ở đây...

Tôi đã nhầm về các Đại thiên sứ, tất nhiên rồi. Bàn tay cha tôi, giáng vào tai tôi trong một hành động (cố ý? vô tình?) tái hiện một bàn tay khác, không cơ thể, từng táng thẳng vào mặt ông – ít ra cũng có tác dụng khai sáng; nó buộc tôi phải xem xét lại và rốt cuộc là từ bỏ cái vị thế ban đầu, tập tọng làm Nhà Tiên tri của tôi. Nằm trên giường vào chính cái đêm bị ruồng rẫy ấy, tôi rút sâu vào trong nội tâm của mình, mặc cho con Khỉ Đồng lấp đầy căn phòng màu xanh của bọn tôi với những lời vặn vẹo: “Nhưng mà anh làm thế làm gì, Saleem? Người lúc nào cũng vô cùng ngoan ngoãn như anh?”... tới khi nó ngủ thiếp đi trong bất mãn, môi vẫn mấp máy không thành tiếng, và tôi còn lại một mình với dư âm trận lôi đình của cha tôi, lùng bùng bên tai trái, rì rầm: “Không Michael hay Anael; chẳng phải Gabriel; quên đi Cassiel, Sachiel và Samael! Các Đại thiên sứ không còn giao tiếp với người trần. Thần tụng đã được hoàn thành ở Ả Rập từ lâu; nhà tiên tri cuối cùng sẽ chỉ xuất hiện để báo hiệu Ngày Tận Thế.” Đêm đó, hiểu ra những giọng nói trong đầu mình vượt xa các thiên sứ về số lượng, tôi quyết định, không phải là không có chút nhẹ nhõm, rằng tôi cuối cùng đã không được chọn chủ trì ngày tận thế. Những giọng nói trong tôi, không có chút gì là hoảng hốt, hóa ra lại trần tục, và đông đảo, như cát bụi.

Ngoại cảm, phải rồi; cái kiểu quý vị vẫn luôn đọc được trên báo lá cải. Nhưng xin quý vị kiên nhẫn – chờ đợi. Chỉ đợi thôi. Nó là ngoại cảm thật; nhưng đồng thời còn hơn cả ngoại cảm. Đừng gạch tên tôi dễ dàng quá thế.

Ngoại cảm, phải rồi: tiếng độc thoại nội tâm của tất cả cái được gọi là ức triệu con người, của mọi tầng lớp và giai cấp, chen vai thích cánh trong đầu tôi. Ban đầu, khi tôi còn thỏa mãn với vai trò khán giả - trước khi tôi bắt đầu hành động – có một vấn đề về ngôn ngữ. Những giọng nói rầm rì bằng đủ thứ tiếng từ thổ ngữ Malayalam đến Naga, từ cái thuần khiết của tiếng Urdu ở Lucknow đến giọng líu ríu của tiếng Tamil miền Nam. Tôi chỉ hiểu đôi chút những gì được nói bên trong bốn vách sọ của mình. Chỉ sau này, khi bắt đầu thăm dò kỹ hơn, tôi mới phát hiện ra, dưới những tín hiệu bề mặt ấy – những chuyện bề nổi mà tôi “bắt” được từ đầu tới giờ - ngôn ngữ nhòa đi, và bị thay thế bằng những hình-thái-ý nghĩ mà bất kỳ ai cũng hiểu được và ưu việt vượt xa ngôn từ... nhưng đấy là sau khi tôi nghe thấy, bên dưới sự hỗn loạn đa ngôn ngữ trong đầu mình, những tín hiệu quý giá kia, khác hẳn tất cả mọi thứ khác, hầu hết đều khẽ và xa xăm, như từng hồi trống vẳng vọng mà nhịp đập dai dẳng cuối cùng đã xuyên qua cái lao xao chợ cá của những giọng nói trong tôi... những bí mật ấy, những tiếng gọi nửa đêm ấy, người gọi người giống mình... những ngọn đèn hiệu vô thức của những đứa trẻ của nửa đêm, không phát tín hiệu gì khác ngoài sự tồn tại của mình, truyền đi vỏn vẹn: “Tôi.” Từ phương Bắc xa xăm, “Tôi.” Và Nam Đông Tây: “Tôi.” “Tôi.” “Tôi nữa.”

Nhưng tôi không được đi trước chính tôi. Ban đầu, trước khi đột phá đến cảnh giới hơn-cả-ngoại-cảm, tôi tự thỏa mãn với việc lắng nghe; và từ sớm tôi đã “chỉnh” được cái tai nội thể của mình hướng về những giọng nói mà tôi hiểu được; và cũng không bao lâu sau tôi đã đã dò ra, trong đám đông, tiếng của gia đình tôi; và của Mary Pereira; và của bạn bè, bạn học, thầy cô. Ngoài phố, tôi học cách xác định dòng-suy-nghĩ của khách bộ hành – hiệu ứng Doppler tiếp tục vận hành ở những môi trường siêu nhiên này, những giọng nói cũng to lên và nhỏ dần khi người ta đi qua.

Tất cả những chuyện này, bằng cách nào đấy tôi đã giữ kín trong lòng. Bị nhắc nhở mỗi ngày (bởi tiếng ù trong tai trái, tức cái tai ma quái) về cơn thịnh nộ của cha tôi, và nóng lòng muốn giữ tai phải hoạt động tốt, tôi câm như thóc. Với một thằng bé chín tuổi, nỗi khó khăn khi phải giấu kín điều mình biết gần như không thể vượt qua; nhưng may mắn thay, những người gần gũi nhất và thân yêu nhất cũng nóng lòng quên đi sự bồng bột của tôi như tôi nóng lòng che giấu sự thật.

“Ôi, cậu Saleem! Gớm thay những gì cậu nói hôm qua! Thật là xấu hổ: cậu nên súc miệng xà phòng đi!”... Buổi sáng sau sự hổ nhục của tôi, Mary Pereia, run lên vì phẫn nộ như món thạch của cô, đề xuất phương thức hoàn hảo cho quá trình cải tạo của tôi. Gục đầu xuống vẻ ăn năn, tôi đi, không nói câu nào, vào nhà tắm, và tại đó, dưới cái nhìn kinh ngạc của cô ayah và con Khỉ, chà xát răng lưỡi vòm họng lợi bằng cái bàn chải đánh răng phết thứ Xà phòng Coal Tar hôi cay đầy bọt. Tin tức về màn sám hối đầy kịch tính của tôi lan nhanh khắp nhà, do Mary và con Khỉ truyền đi; và mẹ ôm lấy tôi, “Thế chứ, bé ngoan; chúng ta sẽ không nhắc chuyện này nữa,” Còn Ahmed Sinai gục gạc gầm gừ ở bàn ăn sáng, “Ít ra nó cũng biết dũng cảm nhận lỗi khi đùa quá trớn.”

Khi những vết thủy tinh cứa mờ dần, dường như những tuyên bố của tôi cũng bị xóa mờ theo; và đến sinh nhật thứ chín của tôi, ngoài tôi ra không ai còn nhớ gì đến cái ngày tôi đã đem các Đại Thiên sứ ra bỡn cợt. Vị thuốc tẩy còn bám trên lưỡi tôi suốt nhiều tuần, nhắc nhở tôi về sự cần thiết phải kín miệng.

Ngay cả con Khỉ Đồng cũng thỏa mãn với cách tôi trình diễn sự ăn năn – trong mắt nó, tôi đã lấy lại phong độ, và một lần nữa là Cô Tấm trong nhà. Để thể hiện sự sẵn lòng tái lập trật tự cũ, nó châm lửa đốt đôi dép ưa thích của mẹ tôi, và giành lại vị trí hợp pháp của mình trong sổ đen gia đình. Đối với người ngoài, còn nữa – thể hiện sự bảo thủ không ai có thể nghi ngờ ở một đứa con gái “liền anh” như thế - nó sát cánh với cha mẹ tôi gữi bí mật về phút lầm lạc của tôi với bạn bè của cả tôi lẫn nó.

Ở một đất nước nơi bất kỳ sự dị thường nào về thể chất hay thần kinh của đứa trẻ cũng là căn nguyên nỗi hổ nhục sâu xa của gia đình, cha mẹ tôi, những người đã quen với những vết bớt trên mặt, mũi dưa chuột và chân vòng kiềng, kiên quyết từ chối tìm thấy ở tôi bất kỳ điều gì đáng hổ thẹn nữa; về phần mình, tôi không một lần nào đả động đến tiếng ong ong ở tai đến tiếng chuông báo hiệu chứng điếc thi thoảng lại reo lên, đến những cơn đau rời rạc. Tôi học được rằng bí mật không phải lúc nào cũng xấu.

Nhưng hãy tưởng tượng sự náo loạn trong đầu tôi! Nơi, sau gương mặt xấu xí, trên cái lưỡi đầy vị xà phòng, sát bên màng nhĩ bị thủng, ẩn náu một tâm trí không lấy gì làm ngăn nắp, chứa trăm thứ bà rằn như túi áo một thắng bé lên chín... hãy tưởng tượng quý vị bằng cách nào đó ở trong đầu tôi nhìn ra qua đôi mắt tôi, nghe thấy những âm thanh, những giọng nói, và rồi không kể được với ai, điều khó nhất là giả bộ ngạc nhiên, như khi mẹ bảo Này Saleem đoán xem nhà ta sẽ đi dã ngoại ở Aarey Milk Colony và tôi phải Ôii hay quá!, khi tôi đã biết tỏng từ lâu vì nghe được giọng nói nội tâm không thành lời của bà Và vào ngày sinh nhật tôi nhìn thấy mọi món quà trong óc người tặng từ trước cả khi chúng được mở ra Và trò chơi tìm kho báu phá sản vì ở đó trong đầu cha tôi là vị trí của từng chỉ dẫn tới mọi giải thưởng Rồi những chuyện khó khăn hơn nhiều như chạy vào tìm cha tôi trong văn phòng ở tầng triệt, đây rồi, và ngay khi bước vào, đầu tôi đã tràn ngập những thứ nhớp nhúa cóChúamớibiết bởi vì ông đang nghĩ đến cô ả thư ký, Alice hoặc Fernanda, cô nàng Coca – Cola mới nhất của ông, ông chậm rãi lột đồ cô ả trong đầu mình và nó trong cả đầu tôi nữa, cô nàng trần truồng ngồi trên cái ghế mặt mây và bây giờ đứng dậy, những vệt mắt lưới lằn khắp trên mông, đấy là cái cha tôi đang nghĩ, CHA TÔI, giờ ông nhìn tôi rất buồn cười Sao thế con trai con không khỏe à Dạ khỏe Abba khỏe ạ, con đi đây CON PHẢI ĐI CÓ VIỆC phải làm bài tập, Abba, và bỏ chạy, dông thẳng trước khi ông phát hiện ra vẻ khả nghi trên mặt tôi (cha tôi vẫn bảo rằng mỗi khi tôi nói dối trên trán tôi liền xuất hiện một tia sáng đỏ)... Quý vị bảo có khó không, cậu Hanif đến đưa tôi đi xem đấu vật, và từ trước khi đến sân vận động Vallabhai Patel trên đê biển Hornby Vellard tôi đã thấy buồn Chúng tôi hòa cùng đám đông đi qua hình nộm bìa cứng của Dara Singh và Tagra Baba và các võ sĩ khác và nỗi buồn của cậu, ông cậu yêu thích của tôi đang rót vào tôi, nó như một con thằn lằn sống ngay dưới bờ dậu ở sự vui tươi của cậu, ẩn giấu dưới tiếng cười rền vang một thời từng là tiếng cười của lão lái đò Tai, chúng tôi ngồi hai chỗ cực đẹp khi quầng sáng đèn pha nhảy múa trên lưng đôi đô vật đang khóa chặt nhau và tôi bị nghẹt trong gọng kìm không thể phá vỡ của nỗi buồn phiền của cậu tôi, nỗi buồn phiền vì sự nghiệp điện ảnh thất bại, hết bom xịt này đến bom xịt khác, có lẽ cậu sẽ chẳng bao giờ kiếm được bộ phim nào nữa Nhưng tôi không được để nỗi buồn ứa ra trên mắt Cậu chen vào dòng suy nghĩ của tôi, Này phaelwan, này chú nhóc đô vật, làm gì mà mặt chảy ra thế, trông dài hơn cả một bộ phim dở rồi, cháu ăn channa nhé? pakora? gì hả? Và tôi lắc đầu, Không, không có gì ạ, Hanif mamu, thế là cậu yên tâm, quay đi, bắt đầu hò hét Cố lên Dara, phải thế chứ, cho hắn nếm mùi vị đi, Dara yara! Và khi về nhà mẹ tôi đang ngồi xổm ngoài hành lang với hộp kem, nói bằng giọng-nói-bên-ngoài của bà, Muốn giúp mẹ làm kem không, con trai, vị hạt dẻ cười khoái khẩu của con đấy, và tôi ngồi quay cái cần, nhưng giọng-nói-bên-trong của bà cứ nảy qua nảy lại bên trong đầu tôi, tôi có thể thấy bà đang cố gắng lấp đầy mọi ngóc ngách suy nghĩ của mình bằng những chuyện hằng ngày, giá cá chim, danh mục các việc vặt trong nhà, phải gọi tay thợ điện đến sửa cái quạt trần ở phòng ăn, bà đang tập trung một cách tuyệt vọng vào các bộ phận của chồng mình để yêu, nhưng cái từ không được phép nhắc tới kia vẫn án ngữ ở đó, hai âm tiết đã rỉ ra khỏi bà trong phòng tắm vào ngày hôm đó, Na Dir Na Dir Na, đối với bà, việc gác máy khi có người gọi nhầm số ngày một khó khăn hơn MẸ TÔI tôi cho các vị biết khi một đứa trẻ chui vào những suy nghĩ của người lớn chúng có thể làm thằng bé phát điên thực sự. Và kể cả về đêm, vẫn không thôi, tôi thức dậy vào đúng nửa đêm với giấc mơ của Mary Pereira trong đầu Đêm này qua đêm khác Luôn vào cái giờ ma thịnh của tôi[2], mà cũng có ý nghĩa đặc biệt với cô Giấc mơ của cô bị giày vò bởi hình ảnh của một gã đàn ông đã chết từ nhiều năm trước, Joseph D’Costa, giấc mơ mách cho tôi cái tên, nó phủ trong một lớp cảm giác tội lỗi tôi không hiểu được, đúng thứ tội lỗi vẫn rỉ sang tất cả chúng tôi mỗi lần chúng tôi ăn món chutney cô làm, ở đây có một điều bí ẩn, nhưng vì nó không ở bề mặt tâm trí cô nên tôi không thể tìm ra, và trong lúc ấy, Joseph ở đó, hằng đêm, đôi khi mang hình người, nhưng không phải luôn luôn, có khi gã là chó sói, hoặc ốc sên, hoặc cây chổi, nhưng chúng tôi (cô-mơ, tôi-nhìn vào) biết đó là gã, tà ác không dung tha đầy vẻ buộc tội, nguyền rủa cô bằng ngôn ngữ của những hóa thân của gã, tru lên với cô khi là Joseph-chó-sói, phủ lên cô những vệt bò nhớp nhúa của Joseph-con-sên, quật cô bằng đầu quét của cái chổi hóa thân của gã... và sáng ra khi cô bảo tôi tắm rửa sạch sẽ chuẩn bị đi học tôi phải nuốt vào những câu hỏi, tôi chín tuổi và bị lạc trong mớ hỗn độn những mảnh đời người khác đang nhòa lẫn với nhau trong cái nóng.

[2] Theo dân gian châu Âu, nửa đêm là giờ ma lực tối thịnh, là lúc phù thủy thi triển pháp thuật. Ý Saleem nói đây là lúc năng lực siêu nhiên của mình đạt đến cực điểm.

Để kết thúc câu chuyện về những ngày đầu cuộc sống được biến cải của mình, tôi phải bổ sung một lời thú tội đau lòng: tôi nhận ra mình có thể cải thiện đánh giá của bố mẹ về tôi bằng cách sử dụng năng lực mới này vào chuyện bài vở - nói ngắn gọn, tôi bắt đầu ăn gian ở lớp. Như thế nghĩa là, tôi bắt sóng giọng nói nội tâm của giáo viên và các bạn học thông minh hơn, và lấy thông tin từ trong đầu họ. Tôi phát hiện ra rằng trong số thầy cô có rất ít người có thể ra đề kiểm tra mà không duyệt trước đáp án tối ưu trong đầu – và tôi cũng biết rằng trong những trường hợp hiếm hoi khi giáo viên còn bận tâm về việc khác, chuyện tình ái riêng tư hay khó khăn về tài chính, tôi vẫn luôn có thể tìm được lời giải trong bộ óc phát triển sớm, phi thường của thằng thần đồng lớp tôi, Cyrus-đại-đế. Điểm số của tôi bắt đầu cải thiện rõ rệt – nhưng không quá lộ liễu, vì tôi luôn luôn làm cho bài mình khác đi với bản gốc bị ăn trộm; kể cả khi đạo bằng ngoại cảm nguyên bài luận Anh văn của Cyrus, tôi cũng thêm thắt vài sửa đổi tầm thường của riêng tôi. Mục đích của tôi là để tránh bị hoài nghi; dù không thành công, song tôi cũng không bị phát hiện. Dưới cặp mắt sục sôi, tra xét của Emil Zagallo tôi vẫn thánh thiện đầy vô tội; trước sự ngỡ ngàng lắc đầu khó hiểu từ thầy Tandon dạy tiếng Anh, tôi tiến hành gian lận trong im lặng – biết rằng họ sẽ không tin sự thật ngay cả khi, vì tình cờ hay rồ dại, tôi để lòi đuôi.

Tóm lại là: vào thời khắc quyết định trong lịch sử quốc gia non trẻ của chúng ta, vào thời điểm các Kế hoạch Năm Năm đang được xây dựng và các cuộc bầu cử đang tới gần và những đoàn biểu tình ngôn ngữ đang giành giật Bombay, một đứa trẻ chín tuổi tên là Saleem Sinai bỗng có được một năng lực kỳ diệu. Bất chấp nhiều mục đích quan trọng mà năng lực ấy có thể được sử dụng phục vụ đất nước nghèo khổ, kém phát triển của mình, thằng bé đã quyết định che giấu tài năng, phung phí nó vào những trò thị dâm tầm phào và gian dối vụn vặt. Cách hành xử này – không phải, tôi thừa nhận, cách hành xử của anh hùng – là hệ quả trực tiếp của sự bấn loạn trong tâm trí thằng bé, luôn lẫn lộn giữa đạo đức - khát vọng muốn làm điều đúng – và được lòng người khác – cái khát vọng có phần mơ hồ hơn là làm điều được tán thành. Sợ thất sủng với phụ huynh, nó bưng bít thông tin về sự biến hóa của mình; tìm kiếm sự tán dương từ phụ huynh, nó lạm dụng năng lực này ở trường. Khuyết điểm này trong tính cách của nó có thể được tha thứ một phần bởi tuổi đời non nớt; song chỉ có một phần thôi. Tư duy lẫn lộn sẽ còn đeo đẳng sự nghiệp của nó nhiều.

Tôi có thể rất khắt khe khi phán xét bản thân nếu muốn.

Thứ gì tọa lạc trên mái Nhà trẻ Breach Candy – cái mái, quý vị hẳn còn nhớ, có thể leo lên từ vườn trong Biệt thự Buckingham, chỉ cần trèo qua bức tường bao? Thứ gì, không còn khả năng thực hiện chức năng như thiết kế ban đầu, đã dõi theo chúng tôi năm đó khi ngay đến mùa đông cũng quên trở lạnh – thứ gì đã quan sát Sonny Ibrahim, Mắt Chẻ, Tóc Dầu và tôi, khi chúng tôi chơi kabaddi, và critket kiểu Pháp, và ném tháp, thi thoảng có sự tham gia của Cyrus-đại-đế và những đứa bạn khác đến chơi: Perce Fishwala Mập và Keith Colaco Nội Tiết? Thứ gì có mặt mỗi khi Bi-Appah, bảo mẫu của Toxy Catrack, từ trên gác thượng nhà Homi quát vọng xuống: “Bọn nhãi ranh! Đồ phá làng phá xóm! Có im đi không!”... thế là cả bọn ù té chạy, rồi quay lại (khi bà ta đã mất dạng) làm mặt câm về phía ô cửa sổ bà ta vừa đứng? Nói tóm lại, đó là thứ gì, cao và xanh và bong tróc, trông xuống cuộc đời chúng tôi, thứ dường như, có một thời, là vật ghi dấu thời gian, chờ đợi không chỉ quãng thời gian sắp tới khi bọn tôi bắt đầu mặc quần dài, mà có lẽ còn chờ cả sự xuất hiện của Evie Burns? Có lẽ quý vị cần gợi ý: thứ gì có lần từng chứa bom? Đâu là nơi Joseph D’Costa chết vì rắn cắn?... Khi, sau vài tháng dằn vặt nội tâm, rốt cuộc cũng muốn tìm nơi lẩn tránh tiếng người lớn, tôi đã tìm thấy nó ở ngọn tháp đồng hồ cũ, nơi không có ai buồn khóa cửa; và tại đây, giữa nỗi cô đơn của thời gian đang rỉ sét, tôi đã, trong tự mâu thuẫn, bước những bước ngập ngừng đầu tiên vào cuộc đời tiếng tăm mà tôi sẽ không bao giờ thoát khỏi nữa... không bao giờ, tới khi mụ Góa phụ...

Bị cấm cửa khỏi tủ giặt, tôi bắt đầu, khi nào có thể, thừa lúc không ai nhìn thấy lẻn vào ngọn tháp của thời gian què quặt. Khi ở vòng xuyến sạch bóng người vì trời nóng hay vì tình cờ hay vì ánh mắt soi mói; khi Ahmed cùng Amina đến Câu lạc bộ Willingdon chơi bài canasta buổi tối; khi con Khỉ Đồng vắng mặt, mải lân la quanh các nữ thần tượng mới kiếm được, đội bơi lặn của Trường Nữ sinh Walsingham... tức là, khi hoàn cảnh cho phép, tôi lại chui vào nơi ẩn náu bí mật, nằm dài trên tấm thảm rơm lấy trộm từ dãy nhà của người ở, nhắm mặt lại, và thả cho bên tai nội thể vừa thức tỉnh (thông với mũi tôi, như mọi cái tai) tự do lang thang khắp thành phố - và xa hơn, từ Bắc chí Nam, từ Đông sang Tây, lắng nghe đủ mọi chuyện. Để thoát khỏi áp lực khó gánh từ việc nghe trộm người thân, tôi đem thuật này học tập với người lạ. Như vậy việc tôi tham gia vào những vấn đề thời sự của Ấn Độ xuất phát hoàn toàn từ những lý do thấp hèn – rầu rĩ vì tiếp xúc với quá nhiều riêng tư, tôi sử dụng thế giới bên ngoài ngọn đồi nhà tôi để tiêu sầu.

Thế giới được khám phá từ ngôi tháp đồng hồ hỏng: ban đầu, tôi chỉ là một du khách không hơn, một đứa trẻ dòm qua những cái lỗ kỳ diệu từ cỗ máy “Dilli-dekho” riêng tư. Tiếng trống dugdugee lốc cốc bên tai trái (đã hỏng) của tôi khi tôi lần đầu nhìn thấy Taj Mahal qua đôi mắt một bà người Anh to béo bị tiêu chảy; sau đó để cân bằng giữa Nam và Bắc, tôi nhảy xuống đền Meenakshi ở Madurai và yên ấm tọa trong góc nhìn trùm len, thần bí của một thầy tu đang tụng niệm.
Phan_1
Phan_2
Phan_3
Phan_4
Phan_5
Phan_6
Phan_7
Phan_8
Phan_9
Phan_10
Phan_11
Phan_12
Phan_13
Phan_14
Phan_15
Phan_16
Phan_17
Phan_18
Phan_19
Phan_21
Phan_22
Phan_23
Phan_24
Phan_25
Phan_26
Phan_27
Phan_28
Phan_29
Phan_30
Phan_31
Phan_32
Phan_33
Phan_34
Phan_35
Phan_36
Phan_37
Phan_38
Phan_39
Phan_40
Phan_41
Phan_42
Phan_43
Phan_44
Phan_45
Phan_46
Phan_47
Phan_48
Phan_49
Phan_50
Phan_51
Phan_52
Phan_53 end
Phan_gioi_thieu
Nếu muốn nhận thông tin bài viết mới của trang thì like ở dưới hoặc truy cập trực tiếp CLICK

TRANG CHỦ
Truyện Teen   Ngôn Tình   Đam Mỹ   Bách Hợp   Mẹo Hay   Trà Sữa   Truyện Tranh   Room Chat   Ảnh Comment   Gà Cảnh   Hình Nền   Thủ Thuật Facebook  
Facebook  Tiện Ích  Xổ Số  Yahoo  Gmail  Dịch  Tải Opera  Đọc Báo 

Lưu địa chỉ wap để tiện truy cập lần sau. Từ khóa tìm kiếm: chatthugian

C-STAT .